Bài gốc của Aditi Priya
Lần đầu tiên tôi làm Quản lý Sản phẩm là cho một công ty khởi nghiệp.
Sản phẩm mà chúng tôi làm chưa hề tồn tại. Chúng tôi bắt đầu xây dựng từ hai thuật toán cơ bản về Thị giác Máy tính (Computer Vision).
Và cũng phải nói trước là tôi chưa từng có kinh nghiệm về Quản lý Sản phẩm. Chẳng có ai nói cho tôi biết phải làm gì cả.
Tôi đã chủ trì các cuộc họp với nhóm bán hàng, trao đổi với nhóm lập trình, và thậm chí còn tự tay kiểm thử thuật toán để đảm bảo chúng hoạt động đúng. Nhưng chúng tôi đã không thể áp dụng JIRA vào hoạt động nhóm. (ND: JIRA là phần mềm quản lý tác vụ dành cho phát triển dự án.)
Một thời gian sau đó, nhu cầu dành cho vị trí của tôi đã thay đổi.
Trái ngược hoàn toàn với những gì người ta viết về Quản lý Sản phẩm trong sách, tôi phải gánh nhiều trách nhiệm hơn ở nhiều vai trò hơn, và chẳng có cái nào giống nhau cả.

Bài đăng của Ben Erez trên LinkedIn
Tạm dịch: Khi làm PM trước đây, tôi đã tạo ra hàng tấn các ticket trên Jira, chăm chút cho backlog, và dành một đống thời gian để lên kế hoạch cho từng sprint. (ND: Các thuật ngữ chuyên ngành thì mình không dịch nhé)
Còn trong hơn 1 năm làm PM ở Facebook, tôi tạo ra 0 ticket. Chúng tôi cũng chẳng chạy một sprint nào.
Các PM ở đây tập trung vào xây dựng tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch phối hợp. Rất ít khi họ tập trung vào các tác vụ quản lý dự án. Các lập trình viên có thể tự quản lý các tác vụ đó và cũng tự tạo đầu mục công việc cho mình luôn.
Điều đó thật tuyệt vời và nó thực sự được việc (cho chúng tôi). Đây cũng là điều mà bạn cần lưu ý nếu như nhóm của bạn đang dành quá nhiều thời gian vào tạo task, làm đẹp backlog và lên kế hoạch cho sprint tiếp theo.
Trên đây là bài đăng của Ben Erez mô tả sự trái ngược rõ ràng trong nhiệm vụ của PM khi tham gia dự án.
Sự thật là chẳng có bằng chứng nào chỉ ra rằng PM thành công là phải làm những gì. Có rất nhiều các nhân tố khác nhau liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn ở Quản lý vòng đời sản phẩm, các công nghệ sử dụng, chiến lược của công ty và tố chất lãnh đạo. Đó là những điều tối quan trọng để bạn có thể định hướng được vai trò của PM trong nhóm sản phẩm.
Sự chín chắn và kinh nghiệm của bạn cũng là một nhân tố nữa.
Tuy nhiên, để thảo luận xa hơn về các trách nhiệm của PM, chúng ta cũng phải nhắc đến bối cảnh chung của nghề Quản lý Sản phẩm.
Tháp Sản phẩm (The Product Septet)
Ở bất kì tổ chức nào, vai trò của Quản lý Sản phẩm cũng sẽ được thể hiện bởi một bộ các trách nhiệm.
Người quản lý sản phẩm gánh những trách nhiệm này sẽ bị ảnh hưởng bởi 4 nhân tố sau:
- Văn hóa công ty
- Công nghệ sử dụng
- Vòng đời sản phẩm
- Thâm niên của vai trò
Một quản lý sản phẩm trẻ tuổi sẽ có nhiều cơ hội để tiến lên các tầng trên của tháp hơn, nơi mà họ có thể được ở gần hơn với sản phẩm.
Một công ty làm về Trí tuệ nhân tạo (A.I.) sẽ phụ thuộc vào các Quản lý Sản phẩm và nhóm Lập trình viên nhiều hơn để tạo ra sản phẩm. Vì vậy trách nhiệm về phía dưới của tháp có thể sẽ ít hơn.
Ngược lại, một Quản lý sản phẩm với kinh nghiệm lâu năm có thể sẽ không can thiệp nhiều vào hoạt động của nhóm lập trình viên trong quá trình làm sản phẩm.
Các điểm chạm
Một trong những trách nhiệm chính của PM là xây dựng và duy trì sự đồng nhất giữa các bên liên quan khác nhau.
Ban lãnh đạo cũng phải có sự hiểu biết nhất định về vấn đề, giống như những gì mà các lập trình viên nhìn nhận về nó. Đội ngũ bán hàng cũng phải cùng trên một chiến tuyến, và từ ngữ mà các lập trình viên và nhóm làm UX sử dụng cũng phải giống nhau khi sản phẩm được ra mắt.
Nhưng thực tế là chẳng có siêu nhân nào chạy vòng quanh để quản lý tất cả mọi thứ cả. Mọt quản lý sản phẩm thường sẽ tập trung vào các điểm chạm để giữ cho các nhóm làm việc ăn ý với nhau.
Suy rộng ra, mô hình tháp sản phẩm phía trên cho thấy các điểm chạm khác nhau khi Quản lý Sản phẩm làm việc với các nhóm.
Hiểu được mô hình này sẽ giúp bạn tìm được đúng vai trò của mình khi tham gia với nhóm phát triển sản phẩm.
Vị trí phù hợp
Bất cứ thứ gì gọi là phù hợp tuyệt đối thì đều phải thỏa hiệp giữa những điều mong muốn và những gì đang tồn tại.
Sản phẩm sẽ thành công khi nằm đúng nơi mà sản phẩm và thị trường đều hòa hợp (product-market fit). Bạn cũng sẽ thành công khi bạn tìm được một công việc hòa hợp với chính mình.
Nhưng làm sao để bạn tìm được nó đây?
Thế tại sao bạn lại thích làm về Quản lý Sản phẩm?
Điều đầu tiên là tìm được sự hòa hợp trong chính bản thân bạn.
“Hiểu về bản thân cần một sự thành thật và sâu sắc nhất định.”
Theo đó, việc đánh giá bản thân theo những tiêu chí sau đây là việc cần thiết:
- Xu hướng thích làm việc với Công nghệ – Kinh doanh – Trải nghiệm người dùng
- Xu hướng thích làm việc với các thành phần của Product Septet phía trên, và hơn nữa là nghiêng về một số tầng trong đó
- Xu hướng thích Lãnh đạo – Chuyên môn về một mảng nào đó
- Xu hướng ưu tiên trải nghiệm sản phẩm
- Xu hướng kiến tạo các vùng kiến thức chuyên sâu giữa các tầng của tháp sản phẩm
Vai trò này sẽ mang lại những gì?
Như tôi đã nói ở đầu bài, vai trò của Quản lý sản phẩm sẽ khác nhau với từng công ty, tùy thuộc vào các yếu tố sau:
- Văn hóa công ty
- Công nghệ sử dụng
- Vòng đời sản phẩm
- Thâm niên của vai trò
Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá vai trò mà bạn đang quan tâm:
- Một ngày làm việc trong vai trò đó sẽ trông như thế nào?
- Ai là người mà bạn sẽ tiếp xúc nhiều nhất khi ở trong vai trò đó?
- Thách thức lớn nhất của vai trò này là gì?
- Mức độ phức tạp của Hệ thống ra quyết định (decision-making) trong công ty như thế nào?
- Lần thắng trận gần nhất của nhóm Sản phẩm ở công ty bạn là khi nào?
Trả lời các câu hỏi trên sẽ giúp bạn tìm được vị trí phù hợp của mình trong vai trò Quản lý Sản phẩm.
Lời kết
Vai trò Quản lý Sản phẩm có thể trải dài trên rất nhiều khía cạnh và có thể chia nhỏ ra làm rất nhiều danh sách khác nhau.
Điều quan trọng là bạn lựa chọn được vị trí phù hợp cho mình để có thể phát triển được bản thân theo hướng mà bạn muốn.
“Hiểu được bối cảnh, biết mình ở đâu,đích đến là gì sẽ giúp bạn phát triển được theo đúng hướng và đi với đúng tốc độ.”