Tác giả Richard K Cheng
Richard K Cheng đã có Chứng chỉ Đào tạo Scrum, giữ chức Phó Chủ tịch mảng Đào tạo và CPO (Chief Product Owner) của Excella Training.
(ND: Product Owner có thể coi là người chịu trách nhiệm mọi mặt về sản phẩm, với nhiệm vụ tối ưu hóa Lợi nhuận trên Đầu tư (ROI) thông qua việc quyết định các tính năng của sản phẩm. Hiện không tìm được từ tiếng Việt tương đương nên sẽ giữ nguyên cụm này)
Product Owner (P.O) là một vai trò quan trọng trong mô hình Scrum. Họ là người biên dịch lại những nhu cầu của người dùng, khách hàng và tất cả các bên liên quan để xây dựng tầm nhìn, lộ trình cho sản phẩm, đồng thời chia đầu việc cho mọi người nhằm tối đa hóa giá trị của sản phẩm.
Tuy nhiên, làm sao chúng ta biết được đó có phải một P.O tuyệt vời hay không, và một P.O tuyệt vời là như thế nào? Dưới đây là 5 điều cần có ở một P.O lý tưởng:
- Giới hạn (Bandwidth)
- Quyền lực (Power)
- Kiến thức (Knowledge)
- Đam mê (Interest)
- Tầm nhìn (Vision)
Giới hạn (Bandwidth)
Để giải thích rõ hơn từ này, ta sẽ cùng xem một câu chuyện. Nhiều năm trước đây, tôi là một ScrumMaster trong một tổ chức. Ở đó thì Jesse – Phó Chủ tịch của Bộ phận rất Quan trọng nào đó – muốn trở thành P.O của nhóm chúng tôi. Thời gian đầu, nhóm Phát triển rất hào hứng vì có mối quan hệ rất tốt với Jesse, và cô ấy lại có vị trí rất cao trong tổ chức. Nếu Jesse là P.O, chúng tôi sẽ có thể đạt được rất nhiều thứ trong dự án này. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mọi việc không hề như chúng tôi nghĩ vì Jesse chẳng mấy khi để tâm được đến việc của nhóm. Ví dụ như việc chúng tôi đang xây dựng một phần mới của website và cần Jesse góp ý một số điểm. Cô ấy nói: “Tất nhiên rồi. Giờ tôi đang chuẩn bị lên máy bay đi New York bây giờ nhưng tôi sẽ quay lại sau 3 ngày. Sau đó ta sẽ ngồi lại với nhau nhé.” Lúc đó, chúng tôi đã đặt một cuộc họp 45 phút vào ngày Jesse trở lại, và cô ấy lại vào họp muộn mất 20 phút. Tất cả đó có thể hiểu là vấn đề của giới hạn. Giới hạn là có đủ thời gian và khả năng làm việc cùng với nhóm Phát triển, quản lý sản phẩm cũng như làm việc với người dùng, khách hàng và các bên liên quan.
Thường thì sẽ có 2 cách để giải quyết vấn đề này:
- Tạo ra nhiều khoảng trống hơn trong lịch trình của P.O để họ làm đúng trách nhiệm của mình
- Tìm một P.O mới
Quyền lực (Power)
Vì Jesse giữ một vị trí khá cao, nên việc tạo ra khoảng trống trong lịch làm việc của cô ấy dường như bất khả thi. Vì vậy chúng tôi đi đến với lựa chọn thứ hai: tìm một P.O mới. Jesse nghĩ đến David, nhân viên cấp dưới mà cô ấy nghĩ sẽ làm việc này khá tốt. Sẽ ra sao nếu Jesse đến chỗ David và nói: “Tôi muốn cậu làm Proxy Product Owner cho tôi. Cậu sẽ vẫn làm những việc hàng ngày của cậu. Chỉ cần đảm bảo rằng mọi quyết định phải thông qua tôi thôi.” (ND: Proxy Product Owner – không tìm được từ tiếng Việt tương đương). Nếu như chúng tôi làm theo cách này, chẳng những không giải quyết được vấn đề cốt lõi, mà nó còn làm tình hình trở nên tệ hơn bằng cách thêm một tầng quản lý nữa. Nhưng không, Jesse đã đến chỗ David và nói như sau:
“David, tôi muốn nói chuyện với cậu về việc chính cậu trở thành một Product Owner. Sản phẩm là của cậu, nhóm là của cậu. Miễn là cậu lái sản phẩm theo đúng tầm nhìn và lộ trình đã đặt trước, cậu cứ thế mà chạy. Tôi sẽ lùi bước về sau để làm kiểu nhà tài trợ sản phẩm (product sponsor) và chúng ta sẽ họp định kỳ để đảm bảo mọi thứ vẫn chạy tốt.”
Đây chính là Quyền lực (Power): một sự ủy quyền để quản lý những nhu cầu của các bên liên quan, sắp xếp và gọt giũa những đầu việc phát triển sản phẩm, và quyền được quyết định những sự thay đổi trong sản phẩm. Mỗi khi chúng ta nghe đến “proxy P.O”, “delegate P.O”, “de-facto P.O”, “vendor P.O”, “stand-in P.O”, “analyst/P.O”, hay bất cứ chức danh nào tương tự, ta đều tự hỏi rằng liệu họ có thực quyền để trở thành một P.O hiệu quả hay không.
Kiến thức (Knowledge)
Nếu như David vừa chân ướt chân ráo gia nhập tổ chức và chẳng có khái niệm gì về sản phẩm thì sao? Chắc chắn đó sẽ là một mối nguy khá lớn. Nhưng may thay, David đã ở công ty được hơn 6 năm với mảng kinh doanh, và có một sự am hiểu sâu sắc về sản phẩm. Đó chính là Kiến thức: có sự am hiểu sâu sắc về sản phẩm, người dùng là ai và những ai có quyền ra quyết định, đâu là giá trị mà họ tìm kiếm, và những mục tiêu mà công ty muốn đạt được với sản phẩm này.
Đam mê (Interest)
Tưởng tượng câu trả lời của David là “Tôi không muốn làm việc này, tôi không có hứng với nó!” Như vậy là anh ta bị bắt phải làm công việc anh ta không thích. Liệu như vậy có ổn không? Bạn chắc chắn sẽ chẳng thích một P.O suốt ngày vắng mặt. David có thể nói đại loại như “Tôi không có thời gian đi họp đâu, mọi người tự quyết định nhé,” “Tất cả đầu việc ấy đều quan trọng đấy, mọi người làm xong hết đi nhé,” và “Tôi không có thời gian xem lại đâu, chỉ cần cho tôi xem kết quả là được.” Tuy nhiên trong trường hợp này, David lại rất hứng thú với việc làm một P.O và tích cực làm việc với nhóm để cho ra sản phẩm. Đam mê: có một mong muốn mãnh liệt trở thành một P.O và tối đa hóa giá trị của sản phẩm.
Tầm nhìn (Vision)
Giả sử nhóm đề xuất với David rằng anh ta phải hiểu về mục tiêu cuối cùng của việc ra mắt sản phẩm và David trả lời rằng “Tôi chẳng biết, theo các anh thì sản phẩm này sẽ đi đến đâu?” Đó không được gọi là sở hữu sản phẩm (product ownership). Nhưng may thay trong trường hợp này, David đã có một tầm nhìn vững chắc cho sản phẩm và anh ta đã khiến nhóm làm việc hào hứng hơn, bám sát với tầm nhìn. Và một nhóm làm việc hào hứng thì sẽ cho ra những sản phẩm tốt hơn. Tầm nhìn: có sự hiểu biết sâu sắc về mục tiêu và giá trị của sản phẩm, nó sẽ đi về đâu và phát triển như thế nào.
Một Product Owner tuyệt vời
Như vậy, có 5 thành tố quan trọng đối với một P.O gồm:
- Giới hạn: Có đủ thời gian và khả năng làm việc cùng với nhóm Phát triển, quản lý sản phẩm cũng như làm việc với người dùng, khách hàng và các bên liên quan.
- Quyền lực: Có quyền quản lý những nhu cầu của các bên liên quan, sắp xếp và gọt giũa những đầu việc phát triển sản phẩm, và quyền được quyết định những sự thay đổi trong sản phẩm.
- Kiến thức: Có sự am hiểu sâu sắc về sản phẩm, người dùng là ai và những ai có quyền ra quyết định, đâu là giá trị mà họ tìm kiếm, và những mục tiêu mà công ty muốn đạt được với sản phẩm này.
- Đam mê: Có một mong muốn mãnh liệt trở thành một P.O và tối đa hóa giá trị của sản phẩm.
- Tầm nhìn: Có sự hiểu biết sâu sắc về mục tiêu và giá trị của sản phẩm, nó sẽ đi về đâu và phát triển như thế nào.