Bài gốc của Emma Grey Ellis
Dành cho những thành viên của subreddit [1] r/childfree, lý do thực sự của việc không có con nằm ngoài khuôn khổ của việc ghét trẻ con, yêu bản thân hay không đủ năng lực tài chính.
[1]: subreddit là các chuyên mục con nằm trong mạng xã hội Reddit. Các mục nội dung được tổ chức theo lĩnh vực quan tâm mà người dùng đăng ký có thể tự do tạo ra cộng đồng thảo luận của riêng mình với bất kỳ ngôn ngữ nào.
Bạn đã bầu bí gì chưa? Bạn không thích trẻ con à? À thì mọi việc sẽ rất khác nếu đứa trẻ đó là con bạn. Trở thành bố mẹ là công việc quan trọng nhất quả đất luôn. Bạn có vẻ ích kỷ nhỉ. Nếu bố mẹ bạn đã từng quyết định không có bạn thì sao? Mà nhắc đến bố mẹ bạn, có vẻ hơi nhẫn tâm nếu bạn không cho các cụ niềm vui được bế cháu? Hơn nữa, ai sẽ chăm lo cho bạn lúc già? Bạn chỉ nói thế vì bạn đang còn trẻ thôi. Bạn sẽ thay đổi suy nghĩ cho xem. Đồng hồ sinh học của bạn đang điểm kìa! Nếu con bạn sau này là người đầu tiên có thể chữa được ung thư thì sao?
Nếu bạn không có con và cũng không muốn có, thì thành thật xin lỗi: bạn đã nghe tất cả những điều trên từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, thu ngân, tài xế, thậm chí các anh giao thông nữa không chừng. Nếu bạn có con và bạn đã từng nói những điều như trên, thì cộng đồng ‘childfree’ (không trẻ con) sẽ rất vui lòng chỉ cho bạn hiểu rằng bạn đang suy nghĩ chưa thấu đáo và đặt mối quan tâm đúng mực.
Tất cả những câu hỏi và khẳng định trên đều bị cấm bởi quy định chung của subreddit r/childfree, nơi mà chúng được gọi với cái tên ‘bingos’: “từ chuyên ngành mà những người đã làm cha mẹ thường nói để thuyết phục những người không muốn có con rằng quyết định đó là sai lầm, và họ đang trốn tránh trách nhiệm với xã hội bằng việc từ chối duy trì nòi giống.” Subreddit này là một diễn đàn xả căng thẳng của những người bị công kích bởi “mombies” và “daddicts” (mom-zombie, dad-addict: từ ghép ám chỉ bố mẹ bỉm sữa – ND). Hơn thế nữa, đây cũng là nơi mà mọi người có thể nói lên chính kiến của mình về các lựa chọn, những câu chuyện có thật và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm phản hồi các ‘bingos’ hay thuyết phục bác sỹ tiến hành triệt sản cho mình.
Đọc đến đây, bạn có thể đã hình thành định kiến đối với những thành viên trong chuyên mục Reddit kia. Nhưng cũng không phải chỉ có mình bạn đâu: Nhiều nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng việc tiếp cận với tư tưởng không có con thường gây ra những cảm xúc không tốt, ngay cả giữa những người hoàn toàn xa lạ. Vấn đề này không chỉ giới hạn trong màu da, tôn giáo, giới tính hay rào cản địa lý nào. Các nhà nghiên cứu đã thấy được sự tương đồng trong những đánh giá tiêu cực của những người không có con ở khắp nơi từ Ấn Độ, Italia đến Israel. (Nếu bạn không tưởng tượng được mức độ của sự thù ghét này, hãy thử tìm kiếm trên Google từ khóa “childless” – thậm chí hơn nữa là “childless millennial”.)
Dù vậy, tỷ lệ mang thai ở Mỹ (và mọi nơi khác) đều đang giảm dần. Và ngược lại với các giả thuyết, những người không có con rất hiếm khi hối hận về quyết định của mình. Chuyên mục r/childfree có khoảng nửa triệu người đăng ký theo dõi (subscribers), và những cộng đồng tương tự cũng tồn tại ở nhiều mạng xã hội khác nhau.
Đối với những người không có con, lý do thực sự nằm ngoài khuôn khổ của việc ghét trẻ con, yêu bản thân hay không đủ năng lực tài chính. Các mối lo lớn hơn bao gồm cả tình hình kinh tế, chính trị và khí hậu. “Chúng ta còn 12 năm nữa đến khi Trái đất bị hủy diệt hoàn toàn”, theo lời của Justine, một thành viên lâu năm của r/childfree đang trong độ tuổi 30. “Chúng ta không may mắn như cha mẹ mình, và dường như họ cũng không hề có khái niệm rằng việc sinh con và nuôi con khó khăn gấp vạn lần cho chúng ta so với thời của họ.”
Khi cố thuyết phục các bố mẹ thay đổi quan điểm, những người theo tư tưởng không có con đã chuẩn bị một “kịch bản”, thu thập tư liệu từ nhiều năm nay. Họ biết rằng họ đang chống lại những thiên kiến đã ăn sâu vào suy nghĩ: Họ nhận thức sâu sắc rằng trong mắt những người khác, họ chỉ là một nhóm ô hợp, những kẻ thuộc thế hệ Y (millennials – những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 – ND) đang cố đánh đổi truyền thống với sở thích cá nhân.
Điều đầu tiên họ muốn thể hiện là quyết định không sinh con không phải là tư tưởng chung của thế hệ Y. “Luôn luôn có những người quyết định không sinh con, nhưng chúng ta chẳng bao giờ để ý họ theo cách đó,” theo lời của Amy Blackstone, một nhà xã hội học ở Đại học Maine và tác giả cuốn sách “Childfree by Choice”. Các cha xứ và các thầy tu là những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ, nhưng lịch sử đã chứng kiến rất nhiều người đã từng có quyết định như vậy. Cách gọi một người nào đó là “ế” hay “bà cô” là một ngụ ý về sự kỳ quặc của người đó, nhưng cũng là dấu hiệu cho biết một người không muốn có con từ thời xưa. “Điều khác biệt là chúng ta được thảo luận cởi mở hơn trong thời đại ngày nay,” bà Blackstone cho biết.
Các nhà hoạt động xã hội đã thách thức tư tưởng không sinh con từ những năm 1970, khi mà làn sóng nữ quyền lần thứ 2 nổ ra (tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong gia đình như quyền sinh nở, cân bằng giới nơi công sở và cưỡng ép tình dục trong hôn nhân), cùng với bùng nổ dân số và tiêu dùng quá độ tăng ở mức đáng lo ngại đối với các nhà hoạt động môi trường. Năm 1972, nhà báo Ellen Peck đã thành lập Ủy ban Quốc gia dành cho những người Không Làm Cha Mẹ với một mục đích duy nhất: khiến mọi người hiểu rằng làm cha mẹ là một lựa chọn, chứ không phải một chương bắt buộc trong cuộc đời con người.
Theo bà Blackstone, khoảng thời gian bùng nổ kinh tế những năm 1980 cùng với sự tập trung vào nữ quyền đã làm suy giảm tiếng nói của những người theo tư tưởng không sinh con, nhưng nó cũng không thể dập tắt được hoàn toàn tư tưởng này. “Tôi ước rằng có những thứ như vậy [r/childfree] từ 30 năm trước,” một người dùng Reddit cho biết. “Tôi là một phụ nữ 60 tuổi, đã lập gia đình và sống rất hạnh phúc được 35 năm nay. Chúng tôi chọn không sinh con và tôi chưa bao giờ hối hận về việc đó. Tôi luôn chắc chắn rằng tôi không muốn có con.” Những người dùng khác cũng chia sẻ kinh nghiệm của họ ở những bình luận phía dưới bài viết đó. Với hơn 300 lượt upvote (bình chọn đồng tình – ND): “Tôi đã 55 tuổi và tôi vẫn nhớ rằng bác sỹ phụ khoa nói với tôi – ở tuổi 40! – rằng bà ấy sẽ không tiến hành triệt sản cho tôi vì ‘có thể tôi sẽ đổi ý’. Vâng, đó là một lời từ chối thẳng thừng với quyết định của cá nhân tôi.” (Rất nhiều người không sinh con, đặc biệt là phụ nữ, đã phải khổ sở hàng thập kỷ để có được biện pháp triệt sản hoàn toàn. Những gì mà bác sỹ lo lắng lại không thuộc về vấn đề y khoa, vì vậy các quản trị viên của chuyên mục r/childfree đã lên một danh sách các bác sỹ trên toàn thế giới chấp thuận và hướng dẫn tận tình việc triệt sản.)
Những người dùng Reddit thuộc thế hệ Y dường như có một mối quan tâm rộng hơn, họ hình thành suy nghĩ từ phong trào nữ quyền lần thứ 3, sự chấp nhận rộng rãi của ý niệm về gia đình, biến đổi khí hậu, và cuộc Đại Suy thoái. “Kể từ sau cuộc suy thoái, mọi người đều sợ khi thấy tỷ lệ mang thai giảm sút do phụ nữ trì hoãn việc sinh con,” Alison Gemmill – nhà nghiên cứu nhân khẩu học của Đại học Stony Brook – cho biết. Nhưng số người không muốn có con không chỉ là vì họ trì hoãn, theo như số liệu nghiên cứu cho thấy. “Chúng ta có thể thấy được cả sự suy giảm về ý định mang thai nữa,” Gemmill cho hay. Cô ấy không hề đả động gì đến ngày tận thế gần kề của nhân loại, nhưng các ông chính trị gia và các bình luận viên thì cứ nhao lên thuyết giảng về việc con người tuyệt chủng đến nơi rồi.
“Mọi người đều lo lắng về việc không có ai trả thuế khi dân số già hóa,” bà Blackstone cho biết. “Điều này cũng trở thành một vấn đề của cả quốc gia: ‘Chúng ta cần thêm người để bảo vệ biên giới.’” Với những người theo đường lối bảo thủ, lo lắng về tỷ lệ sinh thấp của người dân Mỹ và các nước Châu Âu không chỉ nằm trong khuôn khổ quốc gia mà còn là nỗi lo của cả một dân tộc – You Will Not Replace Us (trừ khi những người phụ nữ hiện đại bắt đầu “sản xuất hàng loạt” các em bé). Một chiến lược làm dịu đi căng thẳng về sắc tộc là bắt đầu tuyển mộ những blogger mẹ bỉm sữa – như Wife With a Purpose. Những người phụ nữ này sẽ truyền tải các thông điệp từ góc nhìn của người mẹ về những chuyện hàng ngày như giặt ủi, và cả thiên chức của họ khi bảo vệ “di sản” của người da trắng. Không gian mạng được kiểm soát bởi những thành viên alt-right (cánh hữu) – luôn ủng hộ cho “chủ nghĩa truyền thống” và chia sẻ những hình ảnh theo phong cách của Norman Rockwell, kèm với chú thích nhắc nhở rằng trách nhiệm của đàn ông là bảo vệ phụ nữ để họ chăm sóc cho mái ấm của mình.
Sống trong xã hội đang ủng hộ việc sinh con, những người có tư tưởng ngược lại rất khó thể hiện chính kiến của mình, ngay cả khi số liệu về tỷ lệ sinh suy giảm rõ ràng. “Những người tham gia từ nhiều nơi khác nhau nói với chúng tôi rằng họ nghĩ mình thật ‘kỳ quặc’ cho đến khi họ lên mạng,” chia sẻ của Tracy Morison, giảng viên Đại học Massey, New Zealand, người đã thực hiện nghiên cứu về cộng đồng những người không muốn có con. “Sau đó họ phát hiện ra những người khác cũng có cảm xúc tương tự và tìm thấy được tiếng nói chung về những gì họ đang suy nghĩ và cảm nhận.” Đối với rất nhiều người, thậm chí cụm từ “childfree” (ngược nghĩa với “childless” – ám chỉ sự mất mát và không hoàn thiện) cũng là cả một sự khai sáng.
Những người không muốn sinh con học cách thể hiện suy nghĩ từ sự nhìn nhận lại bản thân. Chắc chắn là mọi người đều bật ra chuyện ghét những đứa trẻ hư như thế nào – chúng được gọi là Bratleys ở Mỹ (những “em chã” má phính – ND) hay “sprogs” hoặc “anklebiters” ở quê hương của Morison – đến nỗi mà một chuyên mục khác trên Reddit, r/truechildfree được mở ra và trở thành nơi “đáng tin tưởng” tương tự như chuyên mục gốc. (Một chuyên mục khác là r/antinatalism chuyên dành cho những người “nghĩ xấu về chuyện sinh nở”. Khá là tiêu cực.) Đối với phần lớn mọi người, những cuộc thảo luận trong hòa bình và tôn trọng luôn được ưu tiên hơn: kinh tế ảm đạm, các vấn đề về môi trường, biến động chính trị. Những người dùng tại Mỹ thì lo lắng về quyền tái sinh sản đang bị xâm phạm. Rất nhiều người đã không còn ý định sinh con nữa ngay cả khi có đủ tiềm lực tài chính và không có mối quan ngại gì về môi trường, nhưng lại nảy sinh một tính toán thế này – tại sao lại phải mang một đứa trẻ đến thế giới này trong khi tôi không bảo đảm là sẽ nuôi được nó? – hiện đang lan tỏa khắp mọi nơi.
Những sự thật đau lòng đè lên vai của những cư dân thế hệ Y cũng đang trở thành một gánh nặng với Justine. “Tôi đã có bằng cử nhân và được cấp phép ở một lĩnh vực mà tôi chẳng tìm được việc làm. Tôi đã thất nghiệp hàng năm nay rồi. Sau một năm hoàn thành khóa huấn luyện nghề, cuối cùng tôi cũng có được công việc làm ghi chép báo cáo y khoa lâm sàng, một công việc mà sẽ sớm biến mất khi làn sóng tự động hóa tràn vào, với mức lương dựa trên năng suất làm việc của tôi,” cô cho biết. “Thêm một đứa trẻ nữa vào cuộc sống của tôi thì thực sự là điên rồ, ngay cả khi tôi có muốn đi chăng nữa.”
Đối với Justine và những người không muốn sinh con khác, những khó khăn của họ rất dễ bị coi là ích kỷ. Nghiên cứu của Morison cho thấy có sự thù ghét giữa những người đã làm cha mẹ và những người không muốn sinh con – đặc biệt là giữa những người phụ nữ. Đối với những người không muốn có con, sự thù ghét đến từ những đánh giá của cả xã hội, những câu hỏi xâm phạm đời tư, và đôi khi nó còn là một điều bất lợi cho họ nữa. Morison thấy rằng những người không muốn có con thường có xu hướng làm thêm ngoài giờ vì họ không phải chăm sóc cho đứa trẻ. Ở một số bang như Iowa, chính phủ sẽ lấy lại một phần lớn bất động sản của bạn nếu bạn để lại tài sản cho người không cùng dòng máu với mình – đây là điều khiến những người dân không muốn sinh con ở Iowa cảm thấy như bị trừng phạt.
Trọng tâm của việc làm cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến chính những người làm cha mẹ nữa. “Có con – rất nhiều con – là những khoảnh khắc huy hoàng, và mọi người bị áp lực để có con khi chính họ còn chưa sẵn sàng. Họ có nhiều con hơn so với kế hoạch hoặc trong khả năng nuôi dạy của họ, hoặc dành những khối tài sản khổng lồ để trở thành cha mẹ đẻ của những đứa con,” Morison cho biết. “Sau đó thì việc nói về những khó khăn cũng như sự hối hận của chính họ lại là những thứ cấm kỵ.” Thảo luận về vấn đề này gần đây mới được đăng tải trên các báo chí chính thống, và chiếm sóng khá nhiều vì có được sự hỗ trợ của các cộng đồng trực tuyến, nhưng những người mới làm mẹ thì vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước.
Phong trào không sinh con đã từ chối một bản năng của con người bằng những lý do và suy nghĩ nghiêm túc và cẩn thận, đặt ra các câu hỏi nền tảng về một thế giới mà những người không có con sẽ phải sinh sống. “Thực tế là ở Mỹ, chúng ta có hệ thống tệ nhất thế giới hỗ trợ những người làm cha mẹ khi đi làm ở công sở,” bà Blackstone cho biết. Nếu suy giảm tỷ lệ sinh là một vấn đề đáng lo ngại, thì việc thay đổi một vài chính sách – ví dụ như nghỉ có trả lương dành cho công việc gia đình, hay việc kêu gọi bảo vệ môi trường mà bọn trẻ bây giờ vẫn đang làm – cũng có thể giúp ích. Dẫu vậy, nếu hỏi những người không phải cha mẹ rằng điều gì có thể thuyết phục họ sinh con, thì đối với góc nhìn của những người không muốn sinh con, đó là một câu hỏi sai. “Tôi ước rằng chúng ta có thể chuyển hướng các cuộc đối thoại từ ‘Chị bị làm sao vậy?’ sang lý do tại sao một số người ngập ngừng trong việc trở thành cha mẹ,” bà Blackstone cho biết. “Nếu đó là vấn đề văn hóa, hãy chung tay cùng giải quyết. Nhưng sau đó thì hãy để họ được yên.” Làm cha mẹ chẳng phải một điều gì đó mặc định với con người. Phần lớn những người quyết định không sinh con có quan tâm thật sự đến tương lai – và sinh con không phải là cách duy nhất để đóng góp cho cả xã hội.